Những điểm mới trong tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; thi tốt nghiệp THPT năm 2025

I. Những điểm mới trong tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT
Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 30 về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT một số điểm mới như sau:
1. Đối với tuyển sinh THCS:
+ Thứ nhất: Đối tượng tuyển sinh: Ngoài đối tượng là học sinh tiểu học, Thông tư bổ sung đối tượng tuyển sinh là học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, trong độ tuổi vào học lớp 6 theo quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
+ Thứ 2: Việc đăng kí tuyển sinh: Được tổ chức thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện đăng ký tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
2. Tuyển sinh vào 10:
– Thứ nhất: Về phương thức tuyển sinh: Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
– Thứ hai: Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, hàng năm Bộ GD&ĐT để cho các địa phương chủ động số môn thi, nhưng năm nay Bộ đưa ra quy định chung là việc thực hiện 3 môn thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba do Sở GDĐT lựa chọn (Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp. Môn thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hằng năm).
– Thứ 3: Về cách tính điểm thi tuyển vào lớp 10 (đối với các trường đại trà): bỏ quy định về hệ số điểm bài thi, theo đó điểm xét tuyển bằng tổng điểm thi của các môn thi.
– Thứ 4: Bổ sung quy định về cộng điểm khuyến khích: Trong các kỳ tuyển sinh từ năm 2024 trở về trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo không áp dụng quy định cộng điểm khuyến khích với học sinh đoạt giải cấp tỉnh. Quy chế tuyển sinh năm nay bổ sung thêm quy định cộng điểm khuyến khích đối với học sinh THCS đạt giải cấp tỉnh do Sở GDĐT tổ chức trên quy mô toàn tỉnh đối với các cuộc thi có tổ chức ở cấp Quốc gia. (Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi, bài thi. Trong đó, giải nhất được cộng 1,5 điểm, giải nhì được cộng 1 điểm, giải ba được cộng 0,5 điểm).
II. Những điểm mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Thứ nhất: Giảm 01 buổi thi và giảm 02 môn thi
Nếu như ở kỳ thi năm 2024, thí sinh làm bài thi 6 môn (trong đó 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn tổ hợp) thì kỳ thi năm nay thí sinh chỉ làm bài thi 4 môn. 02 môn bắt buộc và 02 môn lựa chọn. Hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp), Ngoại ngữ, Tin học. Và đây cũng là lần đầu tiên môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.
Do giảm số môn thi nên số buổi thi cũng giảm một buổi so với trước (trước thi 4 buổi, năm nay chỉ còn 3 buổi, trong đó, 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn.
Việc giảm buổi thi và giảm môn thi sẽ giảm áp lực cho thí sinh, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng Kỳ thi.
Thứ hai: Tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50%
Trong công thức tính trước đây, kết quả học bạ chiếm 30% và 70% điểm thi tốt nghiệp, điểm học bạ chỉ dùng điểm lớp 12;
Trong quy chế thi tốt nghiệp năm nay thì kết quả học bạ tăng lên 50% và điểm thi tốt nghiệp chiếm 50% và được dùng kết quả học bạn ở cả 3 năm học (lớp 10, 11 và lớp 12). Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số, nghĩa là tính theo công thức:
(Điểm trung bình lớp 10*1 + điểm trung bình lớp 11*2 + điểm trung bình lớp 12*3)/6
Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm học bạ từ 30% lên 50% là hợp lý:
Thứ nhất, sẽ giúp đánh giá học sinh toàn diện hơn. Học sinh phải tập trung học ngay từ năm đầu của bậc THPT. Điều này phù hợp với việc đánh giá năng lực của người học theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi muốn đánh giá được thì cần thời gian dài.
Thứ hai, tăng tỷ lệ điểm học bạ sẽ giúp thí sinh giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, những em đạt điểm trung bình cũng có thể tốt nghiệp được.
Thứ ba, việc này tạo thuận lợi để Bộ xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, từ đó là cơ sở để các trường đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào.
Thứ ba: Thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có 02 đề thi riêng biệt
Đây là kỳ thi đầu tiên của Chương trình 2018. Vì vậy trọng kỳ thi tốt nghiệp này sẽ có 02 đề thi riêng biệt, cụ thể:
– Đề thi thứ nhất là đề dành cho các thí sinh học theo Chương trình 2006, đã hoàn thành chương trình nhưng chưa tốt nghiệp trung học THPT.
– Đề thi thứ 2 là đề dành cho các thí sinh học theo Chương trình 2018.
Đối với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh thì có thể chọn dự thi theo đề thi Chương trình học năm 2006 hoặc đề thi theo nội dung của Chương trình 2018.
Việc đồng thời tổ chức ra đề thi và tổ chức thi cho 2 chương trình giáo dục phổ thông tại cùng một thời điểm là rất thách thức. Tuy nhiên, với phương châm tất cả vì học sinh, toàn ngành giáo dục sẽ cố gắng nỗ lực để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho các thí sinh.
Thứ tư: Chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10
Ở các kỳ thi trước, thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ được quốc tế sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp. Ở kỳ thi năm nay, Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Đối với trường hợp thí sinh có đủ điều kiện miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngoại ngữ để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.
Thứ năm: Bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh GDTX
Ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước, học sinh Giáo dục THPT, học viên GDTX khi có Giấy chứng nhận nghề được cộng từ 1 đến 2 điểm khi xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc cộng điểm chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT có một số điểm chưa hợp lý, việc dạy nghề trong trường THPT hiện nay theo hướng “dạy cho có”, học sinh học nghề phổ thông không phải vì mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp, mục đích chính là được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THPT.
Chính vì vậy, nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên.
Thứ sáu: Thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn
Điều 39 của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 quy đinh: Người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (đạt từ bậc 3 trở lên) được miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngữ văn nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngữ văn để tính điểm xét tốt nghiệp THPT.
Như vậy, bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn Ngữ văn thông qua việc học môn Ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.
Thứ bảy: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức thi
* Lần đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT việc chuyển đề thi được thực hiện qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ
Phương thức vận chuyển đề thi mới này theo Bộ GD&ĐT, mang lại nhiều lợi ích:
Thứ nhất: Đảm bảo tuyệt đối an toàn và bảo mật thông tin. Hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ được thiết kế để đảm bảo truyền đưa các văn bản mật, tối mật và tuyệt mật. Vì vậy, việc vận chuyển này đảm bảo tuyệt đối an toàn và bảo mật thông tin; đồng thời, góp phần giảm thiểu rủi ro với người vận chuyển đề thi so với phương thức vận chuyển đề thi trực tiếp như trước đây.
Thứ hai: Rút ngắn thời gian. Trước kia, với việc vận chuyển truyền thống thì thờ gian để chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề thi đến hội đồng thi ở các tỉnh xa thời gian có khi mất tới 2 ngày. Với công nghệ hiện đại và quy trình tự động, việc vận chuyển diễn ra nhanh chóng, chỉ còn vài phút, giúp các khâu chuẩn bị thi cử được thực hiện hiệu quả hơn.
Thứ ba: Tiết kiệm nhân lực và vật lực. Trước đây, việc vận chuyển đề thi cần huy động lượng lớn nhân lực, từ ngành giáo dục đến lực lượng Công an. Giờ đây, nhờ vào hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ, các nguồn lực nàyđược giảm thiểuđángkể.
Thứ tư: Gia tăng lợi ích kinh tế. Việc sử dụng hệ thống vận chuyển bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp giảm thiểu chi phí trong công tác vận chuyển đề thi.
Thứ năm: Thân thiện với môi trường: Với việc vận chuyển qua Hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ hạn chế tối đa việc in ấn và sử dụng tài liệu giấy, giảm lượng rác thải phát sinh từ việc vận chuyển truyền thống. Đây là bước tiến tích cực góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện vận chuyển đề thi học sinh giỏi quốc gia an toàn tuyệt đối qua hệ thống bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
* Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn được thực hiện trong việc đăng ký dự thi của thí sinh: Tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (giai đoạn trước đây, thí sinh tự do phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp), xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm Kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số.
Thứ tám: Thay đổi định dạng cấu trúc đề thi.
Đề thi năm 2025 phân bố theo tỉ lệ 4 : 3 : 3. Có nghĩa là 40% là cấp độ biết, 30% là cấp độ hiểu; 30% là cấp độ vận dụng.
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Do đó, sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, do đó đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.
Một điểm mới đáng chú ý là môn ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Thứ chín: Thí sinh không được mang Atlat Địa lý vào phòng thi
Danh mục các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ. Như vậy, không có Atlat Địa lý, trong khi đó các năm trước, thí sinh được mang vào phòng thi. Theo lý giải của Bộ GD&ĐT:
Thứ nhất, khác với trước đây chỉ có Atlat của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hiện nay có nhiều loại Atlat gây khó khăn cho việc biên soạn đề thi.
Thứ hai, quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã nâng điểm quá trình học tập ở THPT (học bạ) khi xét tốt nghiệp lên 50%, nhiều kỹ năng (trong đó có sử dụng Atlat) đã được rèn luyện trong quá trình học tập.
Việc tổ chức thi cho các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng chưa tốt nghiệp vẫn sẽ được giữ ổn định như năm 2024 và các em vẫn được sử dụng Atlat khi làm bài thi Địa lý (trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội).
Thư 10: Bãi bỏ xét tuyển sớm
Những năm trước, các cơ sở giáo dục thực hiện các đợt tuyển sinh xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy… thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ khoảng tháng 4, tháng 5). Năm nay, các trường vẫn có thể dùng các phương thức này để xét tuyển, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT và trên cùng một hệ thống xét tuyển. Điều này không chỉ đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong xét tuyển mà còn đảm bảo thí sinh không lơ là việc học khi biết mình trúng tuyển sớm.
Thứ 11: Tổ chức điểm thi, phòng thi
Việc sắp xếp điểm thi, phòng thi có điểm mới, đó là theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi. Cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh. Thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt Kỳ thi; ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn.

Gọi điện thoại
Chat Zalo